Dự án sản xuất chế phẩm sinh học từ phân chim cút (dự án có tên MICWAY) do nhóm sinh viên Phan Phước Thanh Thuận, Phùng Thị Hải Châu, Huỳnh Thị Dung của Khoa Sinh - Môi trường (Trường Đại học Sư phạm– Đại học Đà Nẵng) đã phát triển hướng khởi nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Dự án được triển khai từ giai đoạn cuối năm 2017 với sự hỗ trợ từ các thầy cô trong khoa Sinh - Môi trường (Trường Đại học Sư phạm). Hai dòng chế phẩm sinh học được nhóm sáng chế là BIO-MS và BIO-MS1.
Trong đó, BIO-MS là chế phẩm sinh học đặc hiệu, dùng để xử lý mùi hôi chuồng trại và giảm thiểu dịch bệnh cho chim cút, từ đó hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Và BIO-MS1 là phân hữu cơ vi sinh được tạo ra từ việc dùng BIO-MS xử lý phân chim cút.
Bạn Phan Phước Thanh Thuận - phụ trách nhóm dự án cho biết, nhóm chọn nghiên cứu xử lý phân chim cút ở các hộ chăn nuôi, bởi theo khảo sát nhiều năm trở lại đây, số lượng hộ dân nuôi chim cút ở khu vực miền Trung rất phát triển.
“Số hộ nuôi chim ngày một nhiều kéo theo lượng lớn phân chim thải trực tiếp ra môi trường. Điều này không tốt bởi trong phân chim cút có rất nhiều vi sinh vật gây hại cho cây cối, vật nuôi, đặc biệt có thể gây nên nhiều bệnh về hô hấp và tiêu hóa với con người. Chính vì thế, dự án ra đời nhằm khắc phục những vấn đề này bằng việc tập trung xử lý phân chim cút hợp lý bằng chế phẩm đặc hiệu”, Thanh Thuận chia sẻ.
Trung bình, mỗi lít chế phẩm BIO-MS sẽ xử lý được khối lượng phân thải ra của 1.000 con chim cút trong vòng 2 tháng. Sản phẩm này dùng để xử lý mùi hôi chuồng trại và giảm thiểu dịch bệnh cho chim cút, từ đó hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
Trong khi đó, sản phẩm phân hữu cơ vi sinh BIO-MS1 đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 và đạt TCVN 7185:2002. Sản phẩm BIO-MS1 được đánh giá có thành phần nguyên liệu mới lạ là phân chim, có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây hại, làm tơi xốp đất, góp phần vào chuỗi sản xuất nông sản hữu cơ.
Đồng thời, việc phun chế phẩm ở chuồng trại sẽ giúp giảm dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tăng năng suất chăn nuôi.
Hiện tại sản phẩm đã ứng dụng tại một số nơi: những hộ chăn nuôi chim cút tại thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang); làng rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)...
Để có được những thành công như hiện tại, nhóm bạn trẻ phải nỗ lực “năn nỉ”, đi đến tận các khu vườn để xin phép các bác nông dân dùng thử sản phẩm. “Thời gian triển khai ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi không phải hộ nông dân nào cũng đồng ý cho phép một nhóm sinh viên thử nghiệm chế phẩm vi sinh ngay trên ruộng vườn của họ, nhờ sự thuyết phục khéo léo, dần dần, sản phẩm cũng được ứng dụng…”, Châu Giang chia sẻ.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ từng bước thương mại hóa chế phẩm lỏng cung cấp cho các hộ nuôi, trang trại và chế phẩm rắn là phân hữu cơ vi sinh nhắm đến thị trường trồng rau sạch, rau hữu cơ ở các hộ gia đình.
Với những ưu điểm đem lại, dự án đã giành được nhiều thành tích trong các cuộc thi đã tham gia: Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giải nhất cuộc thi "Sáng tạo khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung bộ" 2018, lọt vào chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2019, giải ba cuộc thi khởi nghiệp "Đà Nẵng Startup Runway" 2019, giải nhì cuộc thi "Startup weekend" của Global Shapers Đà Nẵng...
Thành Vân(Báo Dân Trí)