Dự án đã được triển khai theo hướng tập hợp chuỗi biện pháp can thiệp toàn diện, kết hợp truyền thông thay đổi hành vi và truyền cảm hứng cho sự thay đổi; kêu gọi hành động trong cộng đồng đối tượng dự án và công nhận và trao giải cho những người chiến thắng.

Cơ chế giải thưởng của dự án khuyến khích các nhóm đối tượng, thực hiện các hành động để thay đổi định kiến giới trong và ngoài phạm vi thời gian của dự án (yếu tố tác động cần kéo dài).

Dự án cũng đã khởi xướng những thay đổi bắt đầu sớm trong cộng đồng trẻ, kể cả các nhà báo và doanh nghiệp có hoạt động quảng cáo, những người sau đó sẽ thúc đẩy những thay đổi hơn nữa cho công chúng.

Điều này sẽ mang lại nhiều kênh truyền thông để lan tỏa đến cộng đồng. Trong đó, thái độ và hành vi mới về giới gắn với thực hành, được thông tin và truyền cảm hứng, khuyến khích việc áp dụng các hành vi mới nhiều lần, cũng như ghi nhận về những đóng góp của họ cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Một sự kiện trong khuôn khổ dự án do CISDOMA thực hiện.

Và đích cuối cùng là hướng tới tinh thần bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Dự án đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Đặc biệt là tuổi trẻ giảng đường.

“Cuộc thi rất bổ ích, lành mạnh và cũng rất thiết thực. Từ cuộc thi, các bạn trẻ được tiếp cận nhiều kiến thức liên quan đến bình đẳng giới, giải quyết các định kiến giới.

Để thúc đẩy bình đẳng giới, các bạn trẻ đã rất mạnh dạn thể hiện ý kiến của bản thân về vấn đề giới, có những sáng tạo, đề xuất thành những nội dung rất cụ thể qua sáng kiến, các bạn sẽ tiếp tục công việc góp phần tuyên truyền, tác động tích cực đến cộng đồng thông qua kênh tài trợ từ chương trình để vận hành dự án” – Phó Viện trưởng CISDOMA, ông Đào Ngọc Ninh chia sẻ.

Thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết định kiến giới trên các nền tảng mạng xã hội
Phó Viện trưởng CISDOMA, ông Đào Ngọc Ninh, người rất tâm huyết với dự án, cũng từng nhìn nhận (tại talkshow LOOK “Thay ống kính, đổi góc nhìn”, được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), về vai trò của cộng đồng trẻ, rằng để thúc đẩy bảo vệ bình đẳng giới, một yêu cầu cần phải làm, thì những phát biểu, hành vi không chuẩn mực trên không gian mạng xã hội, chính là hành vi cần phải đưa vào chế tài, thông qua luật pháp điều chỉnh”. Cộng đồng trẻ là những người có nhiều thời gian với không gian mạng, chính họ – nếu được giáo dục, truyền cảm hứng, nhận thức đúng vấn đề – sẽ tích cực tham gia và đảm bảo an toàn cho các giới trên mọi không gian mạng”.

Dự án Gendertones được Nhóm các bạn trẻ sinh viên Khoa Marketing – Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đề xuất, đã xuất sắc giành giải Nhất, cũng sử dụng truyền thông đa phương tiện, cụ thể là các nền tảng mạng xã hội gần gũi nhất, tiếp cận cộng đồng trẻ (trong đó có phát hành truyện comic), được nhìn nhận đã dùng chính không gian mạng – vốn còn nhiều yếu tố chưa tích cực (thậm chí rất tiêu cực) về giới, trở nên có trách nhiệm hơn.

Nhóm tác giả đề xuất dự án Gendertones có 4 thành viên:
Lê Viết Bảo Hưng – sinh viên lớp 46K28.1 ; Trần Lê Nhật Minh (lớp 46K12.1) ; Trần Minh Trang (lớp 46K12.1) và Lê Ngọc Nhật Miên (lớp 46K12.3). Dự án đã nhận được hướng dẫn, hỗ trợ (các Cô giáo) Th.S Nguyễn Phương Thảo và TS.Trương Thị Vân Anh.

Dự án Gendertones sẽ có một Landing Page và không gian của trang được dành cho việc đăng tải các bài viết truyền thông về chiến dịch. Theo từng giai đoạn tương ứng với các thông điệp và mục tiêu, các bài viết có nội dung khác nhau.

Nhóm cho biết cũng sẽ xây dựng và phát triển kênh podcast, tiến hành thu âm, phát hành các episodes đa dạng về nội dung xoay quanh chủ đề chính: Định kiến giới trong đời sống, với sự tham gia của các guest speakers.

“Để thực hiện sứ mệnh “đi từ gốc đến ngọn”, Nhóm chúng em cũng sẽ có những phiên webinar ngay trên landing page dự án. Chủ đề được chọn là định kiến giới trong đời sống, tìm kiếm câu trả lời thực sự cho câu hỏi ”Định kiến từ đâu mà có ?. Tổng số lượt ý kiến tham gia các webinar bình đẳng giới do chúng em tổ chức, trong quá trình chạy dự án, ước vào khoảng hơn 80 lượt người”– bạn Lê Viết Bảo Hưng, Trưởng Nhóm cho biết .

Những nỗ lực này nhằm thu hút đối tượng học sinh, sinh viên (trong độ tuổi từ 16 đến 21 tuổi) trên toàn quốc, theo dõi fanpage của dự án hàng tuần.

Comic books (truyện châm biếm với hình ảnh minh họa), cũng là một phương tiện mà dự án Gendertones hướng đến sử dụng, khai thác. Nội dung là nhiều mẫu chuyện được sáng tạo, nhưng lại dựa (hoàn toàn) trên những tình huống khó xử và gây bất bình (bởi định kiến giới/bất bình đẳng giới), kể cả bộc lộ trạng thái tâm lý của người chịu định kiến, … tất cả đều có ngoài đời thực.

“Chúng em lựa chọn comic books như một phương tiện truyền tải thông điệp là vì comics books có tính chất châm biếm, hài hước vừa đủ để làm dịu tính chất nghiêm trọng của chủ đề và comic books đáp ứng được tiêu chí hình ảnh thu hút, nội dung bắt nguồn từ đời sống hằng ngày nên dễ tiếp cận hơn với công chúng” – bạn Lê Ngọc Nhật Miên, thành viên Nhóm giải thích.

“Cộng đồng trẻ là những người có nhiều thời gian với không gian mạng, chính họ – nếu được giáo dục, truyền cảm hứng, nhận thức đúng vấn đề – sẽ tích cực tham gia và đảm bảo an toàn cho các giới trên mọi không gian mạng” – Phó Viện trưởng CISDOMA, ông Đào Ngọc Ninh.

Mục tiêu đặt ra cho các comic books của Nhóm là có hơn 5.000 lượt tiếp cận.
Các họa sỹ minh họa (với tư cách là cố vấn nghệ thuật) ở khắp mọi miền đất nước sẽ được dự án mời tham gia vẽ và góp phần hoàn thiện sách.

Theo bạn Trần Minh Trang, một thành viên khác của Nhóm, nhằm tạo động lực cho cộng đồng trẻ xây dựng các chiến dịch truyền thông về giới hoặc lồng ghép những thông điệp bình đẳng giới trong chiến dịch, Nhóm cũng xác định các mục tiêu phải đạt được như Facebook Page dự án đạt hơn 5.000 lượt theo dõi, có hơn 100 bài đăng.

“Trong thời gian 6 tháng từ khi Facebook Page dự án vận hành trên internet, có (trung bình) hơn 4.000 lượt tiếp cận với bài vở, hình ảnh đã đăng. Trong khi đó, kênh Podcast của dự án phán đấu đạt hơn 1.000 lượt nghe. Và dự kiến sẽ phát hành hơn 10 podcast trong 6 tháng” – bạn Trần Lê Nhật Minh, bổ sung thêm.

Ngoài giải thưởng (2 triệu đồng dành cho giải Nhất), các tác giả dự án Gendertones, đã nhận được số tiền tài trợ 40 triệu đồng để thực hiện dự án (so với ước tính tổng kinh phí đề xuất là 41.559.460 VND).

Truyền trúng để hiểu sâu !
Giải thưởng và quyết định tài trợ đã được trao đến Nhóm tại chương trình tổng kết và trao giải lần thứ Nhất cuộc thi sáng kiên “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam” Sáng kiến thanh niên “, vừa diễn ra vào chiều ngày 19/3/2022, tại trường Đạ¬i học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Sự kiện do Trung tâm nghiên cứu, tư vấn việc làm và Du học tự túc – Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng và Tổ bộ môn Báo chí, Khoa Ngữ Văn, Đoàn Thanh niên trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tổ chức.

Giải Nhì được trao cho sáng kiến “Beyond Genders” của Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Một phiên tọa đàm “Truyền thông và bình đẳng giới – Truyền trúng để hiểu sâu” cũng đã diễn ra tại sự kiện với sự tham gia của các diễn giả là các đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí-truyền thông; nhà quản lý doanh nghiệp truyền thông và nhà báo trực tiếp tham gia tác nghiệp, sáng tạo tại các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Các diễn giả tham gia tọa đàm “Truyền trúng để hiểu sâu”.

Ban tổ chức đã lan tòa thông điệp: Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, báo chí – truyền thông là một trong những lĩnh vực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính truyền thông sẽ bước đầu hình thành các ý tưởng nhằm phá bỏ các định kiến giới, làm thay đổi nhận thức, thói quen của công chúng theo chiều hướng tích cực.

Hơn một thập kỷ qua, báo chí – truyền thông Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài trong góp phần thực hiện bình đẳng giới. Vấn đề giới những năm gần đây không còn quá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng để nhận diện những định kiến giới và hiểu bình đẳng giới một cách thực chất thì không phải ai cũng có đủ kiến thức để áp dụng và hành xử đúng.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu và quan sát gần đây về định kiến giới trên truyền thông chỉ ra rằng, hầu như các kênh truyền thông đại chúng vẫn còn chứa đựng những yếu tố định kiến giới.

Với mục đích trên, Tọa đàm đã tập trung những nhìn nhận, thảo luận, phân tích, mổ xẻ thực trạng các phương diện thực trạng định kiến giới trong hoạt động truyền thông (như nội dung thông điệp tác phẩm báo chí, quảng cáo, phim ảnh, sự kiện, nhân sự, công tác tổ chức, quản lý,…); lý giải nguyên nhân cũng như thảo luận những giải pháp giảm thiểu định kiến giới trong hoạt động truyền thông.

Tại các sự kiện quan trọng, bình đẳng giới cũng là vấn đề được Ban tổ chức rất chú trọng. Các giới bình đẳng trong thể hiện vai trò, khả năng, và trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Với hiểu biết, kinh nghiệm và tâm huyết của mình, các diễn giả đã chia sẻ những quan điểm, câu chuyện góp phần nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi và bổ sung những hiểu biết cho sinh viên về định kiến giới và bình đẳng giới. Sự kiện qua các kênh truyền thông cũng đã lan tỏa, thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về vấn đề giới và bình đẳng giới.

Bình đẳng bắt nguồn từ sự tôn trọng và nhận thức về trách nhiệm của chính mình – GIỚI minh

Câu chuyện thứ nhất của tôi
“Bình đẳng giới với tôi, một người vợ, như nhiều người vợ khác, có thể chúng ta giao tiếp và có quan hệ xã hội rộng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chồng mình – anh ấy ít được tôn trọng hay anh ấy ít được biết đến không có nghĩa là ở chúng tôi thiếu sự bình đẳng! Chỉ là sự lựa chọn môi trường cống hiến, tầm ảnh hưởng cũng như nhu cầu thể hiện năng lực của mỗi người là khác nhau.

Đừng bao giờ cho rằng, công việc của mình – môi trường của mình thì luôn hơn hẳn người khác !

Bình đẳng nằm trong cách ứng xử, sự tôn trọng, lắng nghe mà mỗi GIỚI dành cho giới của mình cũng như giới khác. Hãy tôn trọng mọi hoàn cảnh và môi trường công việc xung quanh mỗi GIỚI, mỗi người, mỗi cá tính để họ được phát triển và hoàn thiện mình.

Bởi ở mỗi GIỚI, mỗi cá nhân cụ thể, với những cái riêng về tính cách, chuyên môn, các kỹ năng bổ trợ và cả môi trường mà nguồn gốc gia đình và công việc đã, sẽ mang đến, sự lựa chọn là không hề giống nhau. Nếu sự lựa chọn đó không bị luật pháp giới hạn, thì sự lựa chọn đó phải luôn được tôn trọng.

Bình đẳng giới không có nghĩa là Nam – Nữ phải ngang hàng nhau, hay anh làm được thì tôi cũng sẽ làm được. Mọi sự so sánh, có khi đánh mất sự công bằng.

Dù GIỚI nào đi chăng nữa, để trở nên khác biệt hơn so với ngày hôm qua, chính bạn cần lựa chọn đúng cái đích mà bạn muốn đến, vị trí mà bạn muốn thuộc về và lý tưởng thì bạn nắm giữ.

Dù là giới nào, bạn đều phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn mà bạn đã quyết định. Đó chính là nắm bắt cơ hội như nhau và cùng tạo ra sự bình đẳng khắp mọi nơi.

Thạc sỹ – Trần Thị Lệ Chi, CEO Rồng Tiên Sa Media.

Và câu chuyện thứ hai
Là phụ nữ mà làm truyền thông, liệu có khác gì so với nam giới?

Như tôi đã chia sẻ, cơ hội là chia đều và tất cả là sự lựa chọn dù là nam hay nữ cũng cần đến sự phù hợp về chuyên môn, niềm đam mê, theo đuổi đến cùng công việc mà bạn hằng yêu thích.

Hẳn nhiên, tôi đã phải không ngừng trau dồi, học hỏi mới có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đang cống hiến. Nếu không có những “khổ luyện”, bạn sẽ không phát triển vững bền.

Vừa rồi, từ ý tưởng và khởi xướng của chính mình, tôi và các cộng sự đã tổ chức thành công cuộc thi Hoa Hậu Du lịch lần đâu tiên của thành phố Đà Nẵng. Cuộc thi thành công, trở thành một minh chứng rằng, công việc tổ chức sự kiện và truyền thông có phù hợp với phụ nữ không ? Câu trả lời đã CÓ! …

Nhìn lại ba năm “lăn lộn” với cuộc thi Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, tôi nghiệm ra, nếu bạn cũng như tôi, nếu mỗi chúng ta luôn cố gắng tạo nên những giá trị với cơ hội và sự lựa chọn của mình thì quan niệm GIỚI không có giới hạn trong cuộc sống và công việc. Sống và cống hiến với tất cả nhiệt huyết, sự chỉn chu, trách nhiệm …

Chính chúng ta đã tạo nên giá trị cho sự bình đẳng, ít nhất là cho cuộc sống của chính bạn !

Thạc sỹ – Trần Thị Lệ Chi, CEO Rồng Tiên Sa Media
Người khởi xướng và là Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu du lịch Đà Nẵng

Kỳ vọng tất cả sẽ tiếp tục trao đổi (qua nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng) và cùng đưa ra giải pháp, giải quyết các vấn đề liên quan đến định kiến giới, góp phần thiết thực thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

T.Ngọc
Hình ảnh trong bài: CISDOMA, chia sẻ từ BTC sự kiện, Phan Hoàng và T.Ngọc